Skip to content

Latest commit

 

History

History
551 lines (433 loc) · 30.9 KB

multiple-gpus_vn.md

File metadata and controls

551 lines (433 loc) · 30.9 KB

Huấn luyện đa GPU

🏷️sec_multi_gpu

Đến nay ta đã thảo luận về cách huấn luyện mô hình trên CPU và GPU một cách hiệu quả. Trong :numref:sec_auto_para, ta biết được cách mà các framework học sâu như MXNet (và TensorFlow) thực hiện song song hóa việc tính toán và giao tiếp giữa các thiết bị một cách tự động. Cuối cùng, :numref:sec_use_gpu đã trình bày cách liệt kê toàn bộ các GPU có trong máy bằng lệnh nvidia-smi. Thứ mà ta chưa thảo luận là cách song song hóa quá trình huấn luyện mô hình học sâu. (Ta bỏ qua việc dự đoán trên nhiều GPU vì nó ít khi được sử dụng và là một chủ đề nâng cao nằm ngoài phạm vi của cuốn sách này.) Chúng ta mới chỉ ngầm hiểu rằng bằng cách nào đó dữ liệu có thể được chia ra cho nhiều thiết bị khác nhau. Phần này sẽ bổ sung những chi tiết còn thiếu ấy và mô tả cách huấn luyện song song một mạng học sâu từ đầu. Chi tiết về cách tận dụng các tính năng của Gluon sẽ nằm ở :numref:sec_multi_gpu_gluon. Vì vậy, chúng tôi xin giả định rằng độc giả đã quen với thuật toán SGD theo minibatch được mô tả ở :numref:sec_minibatch_sgd.

Chia nhỏ Vấn đề

Hãy bắt đầu bằng một bài toán thị giác máy tính đơn giản cùng một kiến trúc mạng lâu đời chứa vài tầng tích chập, tầng gộp và có thể thêm vài tầng dày đặc ở cuối. Như vậy, mạng này sẽ trông khá tương tự như LeNet :cite:LeCun.Bottou.Bengio.ea.1998 hoặc AlexNet :cite:Krizhevsky.Sutskever.Hinton.2012. Với nhiều GPU (máy chủ để bàn thường có 2, máy chủ g4dn.12xlarge thì có 4, AWS p3.16xlarge có 8, hoặc là 16 trên p2.16xlarge), ta muốn phân chia việc huấn luyện sao cho vừa tăng tốc độ lại vừa tận dụng được các thiết kế đơn giản và tái tạo được. Sau cùng, việc sử dụng nhiều GPU là để tăng cả bộ nhớ và năng lực tính toán. Nói ngắn gọn, với một minibatch dữ liệu huấn luyện, ta có một vài phương án phân chia khác nhau.

Song song hóa mô hình trong thiết kế AlexNet gốc do giới hạn bộ nhớ trên GPU. 🏷️fig_alexnet_original

  • Chúng ta có thể phân chia các tầng mạng trên nhiều GPU. Cụ thể, mỗi GPU sẽ nhận một luồng dữ liệu đưa vào từ một tầng xác định, truyền dữ liệu qua một số tầng kế tiếp nhau rồi gửi dữ liệu tới GPU kế tiếp.
    • Điều này cho phép ta xử lý dữ liệu với các mạng lớn hơn, điều nằm ngoài khả năng khi chỉ sử dụng một GPU.
    • Bộ nhớ bị chiếm dụng trên mỗi GPU có thể được kiểm soát dễ dàng (mỗi GPU sẽ chỉ chiếm một phần tổng dung lượng bộ nhớ cấp phát cho cả mạng).
    • Giao tiếp giữa các tầng (cũng như giữa các GPU) đòi hỏi tính đồng bộ chặt chẽ. Điều này có thể sẽ rất khó, đặc biệt nếu khối lượng tính toán không được phân chia hợp lý cho các tầng. Vấn đề sẽ trở nên nghiêm trọng với một số lượng lớn GPU.
    • Giao tiếp giữa các tầng yêu cầu một lượng lớn các thao tác truyền dữ liệu (các hàm kích hoạt, các gradient). Điều này có thể vượt quá mức băng thông các bus của GPU.
    • Các phép tính tuần tự nhưng nặng về mặt tính toán lại không hề dễ phân chia. :cite:Mirhoseini.Pham.Le.ea.2017 là nỗ lực tốt nhất để giải quyết vấn đề này. Nó vẫn còn là một vấn đề khó và chưa rõ ràng liệu có thể đạt được khả năng mở rộng tốt (tăng theo tuyến tính) cho các bài toán không quá đơn giản không. Chúng tôi không khuyến khích cách làm này trừ phi có một framework xuất sắc hay một hệ điều hành hỗ trợ cho việc xâu chuỗi nhiều GPU lại với nhau.
  • Chúng ta có thể phân chia công việc của các tầng đơn lẻ. Chẳng hạn, thay vì tính toán 64 kênh trên một GPU, ta có thể chia công việc này cho 4 GPU, mỗi GPU sẽ sinh dữ liệu cho 16 kênh. Tương tự, với một tầng kết nối dày đặc ta có thể chia nhỏ số nơ-ron đầu ra. :numref:fig_alexnet_original mô tả thiết kế kiểu này. Hình này được trích từ :cite:Krizhevsky.Sutskever.Hinton.2012, khi chiến lược này được sử dụng để làm việc với nhiều GPU có dung lượng bộ nhớ rất nhỏ (2 GB ở thời điểm đó).
    • Điều này cho phép việc điều chỉnh kích thước tính toán tốt, với điều kiện là số kênh (hoặc số nơ-ron) không quá nhỏ.
    • Dùng nhiều GPU có thể xử lý các mạng ngày một lớn hơn vì dung lượng bộ nhớ khả dụng cũng tăng tuyến tính.
    • Chúng ta cần một lượng rất lớn các phép toán đồng bộ / lớp chặn vì mỗi tầng phụ thuộc vào các kết quả từ tất cả các tầng khác.
    • Lượng dữ liệu cần được truyền thậm chí có thể lớn hơn khi phân phối các tầng giữa các GPU. Chúng tôi không khuyến khích cách tiếp cận này do tính phức tạp và chi phí băng thông của nó.
  • Cuối cùng, ta có thể phân chia dữ liệu cho nhiều GPU. Cách này cho phép tất cả GPU thực hiện cùng một công việc, chỉ là với các dữ liệu khác nhau. Các gradient được tổng hợp lại trên các GPU sau mỗi minibatch.
    • Đây là phương pháp đơn giản nhất và có thể sử dụng cho bất cứ tình huống nào.
    • Gắn thêm nhiều GPU không cho phép chúng ta huấn luyện mô hình lớn hơn.
    • Chúng ta chỉ cần đồng bộ hóa sau mỗi minibatch. Dù vậy, ta vẫn nên bắt đầu thực hiện trao đổi các gradient đã tính xong kể cả khi việc tính các gradient khác vẫn chưa được hoàn thiện.
    • Số lượng GPU lớn dẫn tới kích thước minibatch rất lớn, do đó giảm hiệu quả huấn luyện.

Song song hóa trên nhiều GPU. Từ trái sang phải - bài toán ban đầu, phân tách mạng, phân tách tầng, song song hóa dữ liệu 🏷️fig_splitting

Nhìn chung việc song song hóa dữ liệu là cách thuận tiện nhất, với điều kiện là ta sở hữu các GPU với bộ nhớ đủ lớn. Xem thêm :cite:Li.Andersen.Park.ea.2014 để biết chi tiết cách phân chia cho việc huấn luyện phân tán. Bộ nhớ GPU từng là một vấn đề trong những ngày đầu của học sâu. Đến thời điểm này thì hầu hết các vấn đề đã được giải quyết trừ một số trường hợp rất ít gặp. Ở phần kế tiếp, chúng ta sẽ tập trung vào việc song song hóa dữ liệu.

Song song hóa Dữ liệu

Giả sử ta có một máy tính có $k$ GPU. Với một mô hình cần được huấn luyện, mỗi GPU duy trì một tập đầy đủ các tham số mô hình độc lập với nhau. Việc huấn luyện diễn ra như sau (xem :numref:fig_data_parallel để rõ hơn về việc huấn luyện song song với hai GPU):

  • Ở bất cứ vòng huấn luyện nào, với một tập minibatch ngẫu nhiên cho trước, ta chia đều các mẫu từ batch ban đầu này thành $k$ phần rồi phân bố cho các GPU.
  • Mỗi GPU sẽ tính mất mát và gradient của các tham số mô hình dựa trên tập mimibatch con mà nó được cấp và các tham số mô hình nó lưu trữ.
  • Các gradient cục bộ từ $k$ GPU được gom lại để thu được gradient ngẫu nhiên cho minibatch hiện tại.
  • Gradient tổng hợp này được phân phối trở lại cho các GPU.
  • Mỗi GPU dùng gradient ngẫu nhiên của minibatch này để cập nhật một tập đầy đủ các tham số mô hình mà nó lưu trữ.

Tính toán gradient ngẫu nhiên trên tập minibatch dùng song song hóa dữ liệu với hai GPU. 🏷️fig_data_parallel

:numref:fig_splitting so sánh các cách song song hóa khác nhau trên nhiều GPU. Lưu ý rằng trong thực tế ta cần tăng kích thước minibatch lên $k$ lần khi huấn luyện trên $k$ GPU để mỗi GPU có cùng khối lượng công việc cần thực hiện như khi ta huấn luyện trên một GPU đơn lẻ. Trên một server có 16 GPU có thể tăng kích thước minibatch một cách đáng kể và ta cũng có thể sẽ phải tăng tốc độ học một cách tương ứng. Chú ý rằng :numref:sec_batch_norm cũng cần được điều chỉnh lại (ví dụ, ta có thể sử dụng các hệ số chuẩn hóa theo batch riêng cho mỗi GPU). Trong phần tiếp theo ta sẽ dùng :numref:sec_lenet như một mạng thử nghiệm để minh họa việc huấn luyện đa GPU. Như mọi khi, ta bắt đầu bằng cách nạp các gói thư viện và mô-đun liên quan.

%matplotlib inline
from d2l import mxnet as d2l
from mxnet import autograd, gluon, np, npx
npx.set_np()

Ví dụ Đơn giản

Ta lập trình từ đầu LeNet trong :numref:sec_lenet để minh họa chi tiết cách trao đổi và đồng bộ tham số.

# Initialize model parameters
scale = 0.01
W1 = np.random.normal(scale=scale, size=(20, 1, 3, 3))
b1 = np.zeros(20)
W2 = np.random.normal(scale=scale, size=(50, 20, 5, 5))
b2 = np.zeros(50)
W3 = np.random.normal(scale=scale, size=(800, 128))
b3 = np.zeros(128)
W4 = np.random.normal(scale=scale, size=(128, 10))
b4 = np.zeros(10)
params = [W1, b1, W2, b2, W3, b3, W4, b4]

# Define the model
def lenet(X, params):
    h1_conv = npx.convolution(data=X, weight=params[0], bias=params[1],
                              kernel=(3, 3), num_filter=20)
    h1_activation = npx.relu(h1_conv)
    h1 = npx.pooling(data=h1_activation, pool_type='avg', kernel=(2, 2),
                     stride=(2, 2))
    h2_conv = npx.convolution(data=h1, weight=params[2], bias=params[3],
                              kernel=(5, 5), num_filter=50)
    h2_activation = npx.relu(h2_conv)
    h2 = npx.pooling(data=h2_activation, pool_type='avg', kernel=(2, 2),
                     stride=(2, 2))
    h2 = h2.reshape(h2.shape[0], -1)
    h3_linear = np.dot(h2, params[4]) + params[5]
    h3 = npx.relu(h3_linear)
    y_hat = np.dot(h3, params[6]) + params[7]
    return y_hat

# Cross-entropy loss function
loss = gluon.loss.SoftmaxCrossEntropyLoss()

Đồng bộ Dữ liệu

Để huấn luyện hiệu quả trên nhiều GPU, ta cần hai thao tác cơ bản: thứ nhất là phân phối danh sách tham số đến nhiều GPU và gắn gradient, được định nghĩa trong hàm get_params dưới đây. Nếu không có các tham số, ta không thể đánh giá mạng trên GPU. Thứ hai, ta cần tính tổng giá trị các tham số trên nhiều thiết bị, khai báo ở hàm allreduce.

def get_params(params, device):
    new_params = [p.copyto(device) for p in params]
    for p in new_params:
        p.attach_grad()
    return new_params

Hãy thử sao chép các tham số mô hình của LeNet tới gpu(0).

new_params = get_params(params, d2l.try_gpu(0))
print('b1 weight:', new_params[1])
print('b1 grad:', new_params[1].grad)

Vì chưa thực hiện tính toán nào, gradient ứng với hệ số điều chỉnh vẫn mang giá trị $0$. Bây giờ giả sử ta có các vector được phân phối trên nhiều GPU. Hàm allreduce dưới đây cộng các vector đó và truyền kết quả về tất cả GPU. Chú ý, để hàm này hoạt động, ta cần sao chép dữ liệu đến GPU đang cộng dồn kết quả.

def allreduce(data):
    for i in range(1, len(data)):
        data[0][:] += data[i].copyto(data[0].ctx)
    for i in range(1, len(data)):
        data[0].copyto(data[i])

Hãy kiểm tra bằng cách tạo các vector với giá trị khác nhau trên các thiết bị khác nhau và tổng hợp chúng.

data = [np.ones((1, 2), ctx=d2l.try_gpu(i)) * (i + 1) for i in range(2)]
print('before allreduce:\n', data[0], '\n', data[1])
allreduce(data)
print('after allreduce:\n', data[0], '\n', data[1])

Phân phối Dữ liệu

Ta cần một hàm hỗ trợ phân phối đều dữ liệu trong minibatch trên nhiều GPU. Ví dụ với 2 GPU, có thể ta sẽ muốn sao chép một nửa dữ liệu tới mỗi GPU. Ta sẽ sử dụng hàm có sẵn trong Gluon để chia và nạp dữ liệu (kiểm thử với ma trận $4 \times 5$).

data = np.arange(20).reshape(4, 5)
devices = [npx.gpu(0), npx.gpu(1)]
split = gluon.utils.split_and_load(data, devices)
print('input :', data)
print('load into', devices)
print('output:', split)

Để sử dụng về sau, ta định nghĩa hàm split_batch để chia cả dữ liệu và nhãn.

#@save
def split_batch(X, y, devices):
    """Split `X` and `y` into multiple devices."""
    assert X.shape[0] == y.shape[0]
    return (gluon.utils.split_and_load(X, devices),
            gluon.utils.split_and_load(y, devices))

Huấn luyện

Giờ chúng ta có thể lập trình việc huấn luyện với một minibatch trên nhiều GPU. Đoạn mã chủ yếu dựa trên phương pháp song song hóa dữ liệu trong chương này. Ta sẽ dùng các hàm phụ trợ allreducesplit_and_load ở trên để đồng bộ dữ liệu trên nhiều GPU. Lưu ý rằng ta không cần viết bất cứ đoạn mã cụ thể nào để song song hóa. Vì đồ thị tính toán không có phụ thuộc nào xuyên suốt các thiết bị trong một minibatch, chúng được thực thi song song một cách tự động.

def train_batch(X, y, device_params, devices, lr):
    X_shards, y_shards = split_batch(X, y, devices)
    with autograd.record():  # Loss is calculated separately on each GPU
        losses = [loss(lenet(X_shard, device_W), y_shard)
                  for X_shard, y_shard, device_W in zip(
                      X_shards, y_shards, device_params)]
    for l in losses:  # Back Propagation is performed separately on each GPU
        l.backward()
    # Sum all gradients from each GPU and broadcast them to all GPUs
    for i in range(len(device_params[0])):
        allreduce([device_params[c][i].grad for c in range(len(devices))])
    # The model parameters are updated separately on each GPU
    for param in device_params:
        d2l.sgd(param, lr, X.shape[0])  # Here, we use a full-size batch

Bây giờ ta có thể định nghĩa hàm huấn luyện. Hàm này có một chút khác biệt so với hàm huấn luyện trong các chương trước: ta cần chỉ định GPU và sao chép các tham số mô hình tới tất cả thiết bị. Mỗi batch được xử lý bằng train_batch nhằm tận dụng nhiều GPU. Để thuận tiện (và để mã nguồn ngắn gọn), ta tính độ chính xác trên một GPU (cách này không hiệu quả vì các GPU khác không được tận dụng).

def train(num_gpus, batch_size, lr):
    train_iter, test_iter = d2l.load_data_fashion_mnist(batch_size)
    devices = [d2l.try_gpu(i) for i in range(num_gpus)]
    # Copy model parameters to num_gpus GPUs
    device_params = [get_params(params, d) for d in devices]
    # num_epochs, times, acces = 10, [], []
    num_epochs = 10
    animator = d2l.Animator('epoch', 'test acc', xlim=[1, num_epochs])
    timer = d2l.Timer()
    for epoch in range(num_epochs):
        timer.start()
        for X, y in train_iter:
            # Perform multi-GPU training for a single minibatch
            train_batch(X, y, device_params, devices, lr)
            npx.waitall()
        timer.stop()
        # Verify the model on GPU 0
        animator.add(epoch + 1, (d2l.evaluate_accuracy_gpu(
            lambda x: lenet(x, device_params[0]), test_iter, devices[0]),))
    print(f'test acc: {animator.Y[0][-1]:.2f}, {timer.avg():.1f} sec/epoch '
          f'on {str(devices)}')

Thí nghiệm

Hãy xem hàm trên hoạt động như thế nào trên một GPU. Ta sử dụng kích thước batch 256 và tốc độ học 0.2.

train(num_gpus=1, batch_size=256, lr=0.2)

Giữ nguyên kích thước batch và tốc độ học, tăng số GPU lên 2, ta có thể thấy sự cải thiện về độ chính xác trên tập kiểm tra xấp xỉ bằng thí nghiệm trước. Dưới góc nhìn thuật toán tối ưu, hai thí nghiệm là giống hệt nhau. Không may, ta không đạt được sự tăng tốc đáng kể nào: đơn giản vì mô hình quá nhỏ; hơn nữa tập dữ liệu cũng nhỏ, do đó cách huấn luyện không quá tinh vi của chúng ta trên nhiều GPU sẽ chịu chi phí đáng kể do Python. Về sau ta sẽ gặp các mô hình phức tạp hơn và các cách song song hóa tinh vi hơn. Hiện giờ hãy xem thí nghiệm trên Fashion-MNIST cho kết quả như thế nào.

train(num_gpus=2, batch_size=256, lr=0.2)

Tóm tắt

  • Có nhiều cách để chia việc huấn luyện mạng học sâu cho nhiều GPU. Có thể chia các tầng cho một GPU, dùng nhiều GPU cho một tầng, hoặc nhiều GPU cho dữ liệu. Hai cách đầu yêu cầu điều khiển việc truyền dữ liệu chặt chẽ. Song song hóa dữ liệu là cách đơn giản nhất.
  • Không khó để huấn luyện bằng song song hóa dữ liệu. Tuy nhiên, cách này cần tăng kích thước hiệu dụng của minibatch để đạt hiệu quả.
  • Dữ liệu được chia cho nhiều GPU, mỗi GPU thực thi các lượt truyền xuôi và ngược, sau đó các gradient được tổng hợp lại và kết quả được truyền về các GPU.
  • Minibatch lớn có thể yêu cầu tốc độ học cao hơn một chút.

Bài tập

  1. Khi huấn luyện trên nhiều GPU, thử thay đổi kích thước minibatch từ $b$ thành $k \cdot b$, tức là nhân thêm số lượng GPU.
  2. So sánh độ chính xác với các tốc độ học khác nhau. Tốc độ học thay đổi theo số lượng GPU như thế nào?
  3. Lập trình hàm allreduce hiệu quả hơn để tổng hợp các tham số trên các GPU khác nhau (tại sao cách ban đầu không hiệu quả)?
  4. Lập trình tính độ chính xác trên tập kiểm tra với nhiều GPU.

Thảo luận

Những người thực hiện

Bản dịch trong trang này được thực hiện bởi:

  • Đoàn Võ Duy Thanh
  • Lê Khắc Hồng Phúc
  • Nguyễn Văn Cường
  • Nguyễn Mai Hoàng Long
  • Phạm Hồng Vinh
  • Nguyễn Cảnh Thướng
  • Phạm Minh Đức
  • Nguyễn Lê Quang Nhật