Skip to content

Latest commit

 

History

History
585 lines (429 loc) · 32 KB

sgd_vn.md

File metadata and controls

585 lines (429 loc) · 32 KB

Hạ Gradient Ngẫu nhiên

🏷️sec_sgd

Trong phần này chúng tôi sẽ giới thiệu các nguyên tắc cơ bản của hạ gradient ngẫu nhiên.

%matplotlib inline
from d2l import mxnet as d2l
import math
from mxnet import np, npx
npx.set_np()

Cập nhật Gradient Ngẫu nhiên

Trong học sâu, hàm mục tiêu thường là trung bình của các hàm mất mát cho từng mẫu trong tập huấn luyện. Giả sử tập huấn luyện có $n$ mẫu, $f_i(\mathbf{x})$ là hàm mất mát của mẫu thứ $i$, và vector tham số là $\mathbf{x}$. Ta có hàm mục tiêu

$$f(\mathbf{x}) = \frac{1}{n} \sum_{i = 1}^n f_i(\mathbf{x}).$$

Gradient của hàm mục tiêu tại $\mathbf{x}$ được tính như sau

$$\nabla f(\mathbf{x}) = \frac{1}{n} \sum_{i = 1}^n \nabla f_i(\mathbf{x}).$$

Nếu hạ gradient được sử dụng, chi phí tính toán cho mỗi vòng lặp độc lập là $\mathcal{O}(n)$, tăng tuyến tính với $n$. Do đó, với tập huấn luyện lớn, chi phí của hạ gradient cho mỗi vòng lặp sẽ rất cao.

Hạ gradient ngẫu nhiên (stochastic gradient descent - SGD) giúp giảm chi phí tính toán ở mỗi vòng lặp. Ở mỗi vòng lặp, ta lấy ngẫu nhiên một mẫu dữ liệu có chỉ số $i\in{1,\ldots, n}$ theo phân phối đều, và chỉ cập nhật $\mathbf{x}$ bằng gradient $\nabla f_i(\mathbf{x})$:

$$\mathbf{x} \leftarrow \mathbf{x} - \eta \nabla f_i(\mathbf{x}).$$

Ở đây, $\eta$ là tốc độ học. Ta có thể thấy rằng chi phí tính toán cho mỗi vòng lặp giảm từ $\mathcal{O}(n)$ của hạ gradient xuống còn hằng số $\mathcal{O}(1)$. Nên nhớ rằng gradient ngẫu nhiên $\nabla f_i(\mathbf{x})$ là một ước lượng không thiên lệch (unbiased) của gradient $\nabla f(\mathbf{x})$.

$$\mathbb{E}i \nabla f_i(\mathbf{x}) = \frac{1}{n} \sum{i = 1}^n \nabla f_i(\mathbf{x}) = \nabla f(\mathbf{x}).$$

Do đó, trên trung bình, gradient ngẫu nhiên là một ước lượng gradient tốt.

Bây giờ, ta mô phỏng hạ gradient ngẫu nhiên bằng cách thêm nhiễu ngẫu nhiên với trung bình bằng 0 và phương sai bằng 1 vào gradient và so sánh với phương pháp hạ gradient.

#@tab all
f = lambda x1, x2: x1 ** 2 + 2 * x2 ** 2  # Objective
gradf = lambda x1, x2: (2 * x1, 4 * x2)  # Gradient

def sgd(x1, x2, s1, s2):
    global lr  # Learning rate scheduler
    (g1, g2) = gradf(x1, x2)
    # Simulate noisy gradient
    g1 += d2l.normal(0.0, 1, (1,))
    g2 += d2l.normal(0.0, 1, (1,))
    eta_t = eta * lr()  # Learning rate at time t
    return (x1 - eta_t * g1, x2 - eta_t * g2, 0, 0)  # Update variables

eta = 0.1
lr = (lambda: 1)  # Constant learning rate
d2l.show_trace_2d(f, d2l.train_2d(sgd, steps=50))

Như có thể thấy, quỹ đạo của các biến trong SGD dao động mạnh hơn hạ gradient ở phần trước. Điều này là do bản chất ngẫu nhiên của gradient. Tức là, ngay cả khi tới gần giá trị cực tiểu, ta vẫn gặp phải sự bất định gây ra bởi gradient ngẫu nhiên $\eta \nabla f_i(\mathbf{x})$. Thậm chí sau 50 bước thì chất lượng vẫn không tốt lắm. Tệ hơn, nó vẫn sẽ không cải thiện với nhiều bước hơn (chúng tôi khuyến khích bạn đọc thử nghiệm với số lượng bước lớn hơn để tự xác nhận điều này). Ta chỉ còn một lựa chọn duy nhất --- thay đổi tốc độ học $\eta$. Tuy nhiên, nếu chọn giá trị quá nhỏ, ta sẽ không đạt được bất kỳ tiến triển đáng kể nào ở những bước đầu tiên. Mặt khác, nếu chọn giá trị quá lớn, ta sẽ không thu được nghiệm tốt, như đã thấy ở trên. Cách duy nhất để giải quyết hai mục tiêu xung đột này là giảm tốc độ học một cách linh hoạt trong quá trình tối ưu.

Đây cũng là lý do cho việc thêm hàm tốc độ học lr vào hàm bước sgd. Trong ví dụ trên, chức năng định thời tốc độ học (learning rate scheduling) không được kích hoạt vì ta đặt hàm lr bằng một hằng số, tức lr = (lambda: 1).

Tốc độ học Linh hoạt

Thay thế $\eta$ bằng tốc độ học phụ thuộc thời gian $\eta(t)$ sẽ khiến việc kiểm soát sự hội tụ của thuật toán tối ưu trở nên phức tạp hơn. Cụ thể, ta cần tìm ra mức độ suy giảm $\eta$ hợp lý. Nếu giảm quá nhanh, quá trình tối ưu sẽ ngừng quá sớm. Nếu giảm quá chậm, ta sẽ lãng phí rất nhiều thời gian cho việc tối ưu. Có một vài chiến lược cơ bản được sử dụng để điều chỉnh $\eta$ theo thời gian (ta sẽ thảo luận về các chiến lược cao cấp hơn trong chương sau):

$$ \begin{aligned} \eta(t) & = \eta_i \text{ if } t_i \leq t \leq t_{i+1} && \mathrm{hằngsốtheokhoảng~} \\ \eta(t) & = \eta_0 \cdot e^{-\lambda t} && \mathrm{lũythừa~} \\ \eta(t) & = \eta_0 \cdot (\beta t + 1)^{-\alpha} && \mathrm{đathức~} \end{aligned} $$

Trong trường hợp đầu tiên, ta giảm tốc độ học bất cứ khi nào tiến trình tối ưu bị đình trệ. Đây là một chiến lược phổ biến để huấn luyện các mạng sâu. Ngoài ra, ta có thể làm giảm tốc độ học nhanh hơn bằng suy giảm theo lũy thừa. Thật không may, phương pháp này dẫn đến việc dừng tối ưu quá sớm trước khi thuật toán hội tụ. Một lựa chọn phổ biến khác là suy giảm đa thức với $\alpha = 0.5$. Trong trường hợp tối ưu lồi, có các chứng minh cho thấy giá trị này cho kết quả tốt. Hãy cùng xem nó hoạt động như thế nào trong thực tế.

#@tab all
def exponential():
    global ctr
    ctr += 1
    return math.exp(-0.1 * ctr)

ctr = 1
lr = exponential  # Set up learning rate
d2l.show_trace_2d(f, d2l.train_2d(sgd, steps=1000))

Như dự đoán, giá trị phương sai của các tham số giảm đáng kể. Tuy nhiên, suy giảm lũy thừa không hội tụ tới nghiệm tối ưu $\mathbf{x} = (0, 0)$. Thậm chí sau 1000 vòng lặp, nghiệm tìm được vẫn cách nghiệm tối ưu rất xa. Trên thực tế, thuật toán này không hội tụ được. Mặt khác, nếu ta sử dụng suy giảm đa thức trong đó tốc độ học suy giảm tỉ lệ nghịch với căn bình phương thời gian, thuật toán hội tụ tốt.

#@tab all
def polynomial():
    global ctr
    ctr += 1
    return (1 + 0.1 * ctr)**(-0.5)

ctr = 1
lr = polynomial  # Set up learning rate
d2l.show_trace_2d(f, d2l.train_2d(sgd, steps=50))

Vẫn còn có rất nhiều lựa chọn khác để thiết lập tốc độ học. Ví dụ, ta có thể bắt đầu với tốc độ học nhỏ, sau đó tăng nhanh rồi tiếp tục giảm nhưng với tốc độ chậm hơn. Ta cũng có thể thiết lập tốc độ học tăng và giảm luân phiên. Có rất nhiều cách khác nhau để định thời tốc độ học. Bây giờ, chúng ta hãy tập trung vào thiết lập tốc độ học trong điều kiện lồi mà ta có thể phân tích lý thuyết. Với bài toán không lồi tổng quát, rất khó để đảm bảo được mức hội tụ có ý nghĩa, vì nói chung các bài toán tối ưu phi tuyến không lồi đều thuộc dạng NP-hard. Để tìm hiểu thêm, tham khảo các ví dụ trong tập bài giảng của Tibshirani năm 2015.

Phân tích Hội tụ cho Hàm mục tiêu Lồi

Đây là phần đọc thêm để mang lại cái nhìn trực quan hơn về bài toán, giới hạn lại trong một cách chứng minh đơn giản được trình bày trong :cite:Nesterov.Vial.2000. Cũng có những cách chứng minh nâng cao hơn, ví dụ như khi hàm mục tiêu được định nghĩa tốt. :cite: Hazan.Rakhlin.Bartlett.2008 chỉ ra rằng với các hàm lồi chặt, cụ thể là các hàm có cận dưới là $\mathbf{x}^\top \mathbf{Q} \mathbf{x}$, ta có thể cực tiểu hóa chúng chỉ với một số lượng nhỏ bước lặp trong khi giảm tốc độ học theo $\eta(t) = \eta_0/(\beta t + 1)$. Thật không may, trường hợp này không xảy ra trong học sâu, trên thực tế mức độ giảm tốc độ học chậm hơn rất nhiều.

Xét trường hợp

$$\mathbf{w}{t+1} = \mathbf{w}{t} - \eta_t \partial_\mathbf{w} l(\mathbf{x}_t, \mathbf{w}).$$

Cụ thể, ta giả sử $\mathbf{x}_t$ được lấy từ phân phối $P(\mathbf{x})$$l(\mathbf{x}, \mathbf{w})$ là hàm lồi theo biến $\mathbf{w}$ với mọi $\mathbf{x}$. Cuối cùng, ta kí hiệu

$$R(\mathbf{w}) = E_{\mathbf{x} \sim P}[l(\mathbf{x}, \mathbf{w})]$$

là giá trị mất mát kỳ vọng và $R^$ là cực tiểu của hàm mất mát theo $\mathbf{w}$. Ta kí hiệu $\mathbf{w}^$ là nghiệm tại cực tiểu (minimizer) với giả định giá trị này tồn tại trong miền xác định. Trong trường hợp này, chúng ta lần theo khoảng cách giữa tham số hiện tại $\mathbf{w}_t$ và nghiệm cực tiểu $\mathbf{w}^*$, và xem liệu giá trị này có cải thiện theo thời gian không:

$$\begin{aligned} |\mathbf{w}{t+1} - \mathbf{w}^*|^2 & = |\mathbf{w}{t} - \eta_t \partial_\mathbf{w} l(\mathbf{x}t, \mathbf{w}) - \mathbf{w}^*|^2 \ & = |\mathbf{w}{t} - \mathbf{w}^|^2 + \eta_t^2 |\partial_\mathbf{w} l(\mathbf{x}_t, \mathbf{w})|^2 - 2 \eta_t \left\langle \mathbf{w}_t - \mathbf{w}^, \partial_\mathbf{w} l(\mathbf{x}_t, \mathbf{w})\right\rangle. \end{aligned} $$

Gradient $\partial_\mathbf{w} l(\mathbf{x}_t, \mathbf{w})$ có cận trên là một hằng số Lipschitz $L$, do đó ta có

$$\eta_t^2 |\partial_\mathbf{w} l(\mathbf{x}_t, \mathbf{w})|^2 \leq \eta_t^2 L^2.$$

Điều chúng ta thực sự quan tâm là khoảng cách giữa $\mathbf{w}_t$$\mathbf{w}^*$ thay đổi như thế nào theo kỳ vọng. Thực tế, với chuỗi các bước bất kỳ, khoảng cách này cũng có thể thể tăng lên, tuỳ thuộc vào giá trị của $\mathbf{x}_t$ mà ta gặp phải. Do đó cần xác định cận cho tích vô hướng. Từ tính chất lồi, ta có

$$ l(\mathbf{x}_t, \mathbf{w}^) \geq l(\mathbf{x}_t, \mathbf{w}_t) + \left\langle \mathbf{w}^ - \mathbf{w}t, \partial{\mathbf{w}} l(\mathbf{x}_t, \mathbf{w}_t) \right\rangle. $$

Kết hợp hai bất đẳng thức trên, ta tìm được cận cho khoảng cách giữa các tham số tại bước $t+1$ như sau:

$$|\mathbf{w}{t} - \mathbf{w}^*|^2 - |\mathbf{w}{t+1} - \mathbf{w}^|^2 \geq 2 \eta_t (l(\mathbf{x}_t, \mathbf{w}_t) - l(\mathbf{x}_t, \mathbf{w}^)) - \eta_t^2 L^2.$$

Điều này có nghĩa quá trình học vẫn sẽ cải thiện miễn là hiệu số giữa hàm mất mát hiện tại và giá trị mất mát tối ưu vẫn lớn hơn $\eta_t L^2$. Để đảm bảo hàm mất mát hội tụ về $0$, tốc độ học $\eta_t$ cũng cần phải giảm dần.

Tiếp theo chúng ta tính giá trị kỳ vọng cho biểu thức trên

$$E_{\mathbf{w}t}\left[|\mathbf{w}{t} - \mathbf{w}^|^2\right] - E_{\mathbf{w}_{t+1}\mid \mathbf{w}t}\left[|\mathbf{w}{t+1} - \mathbf{w}^|^2\right] \geq 2 \eta_t [E[R[\mathbf{w}_t]] - R^*] - \eta_t^2 L^2.$$

Ở bước cuối cùng, ta tính tổng các bất đẳng thức trên cho mọi $t \in {t, \ldots, T}$. Rút gọn tổng và bỏ qua các hạng tử thấp hơn, ta có

$$|\mathbf{w}{0} - \mathbf{w}^*|^2 \geq 2 \sum{t=1}^T \eta_t [E[R[\mathbf{w}t]] - R^*] - L^2 \sum{t=1}^T \eta_t^2.$$

Lưu ý rằng ta tận dụng $\mathbf{w}_0$ cho trước và do đó có thể bỏ qua giá trị kỳ vọng. Cuối cùng, ta định nghĩa

$$\bar{\mathbf{w}} := \frac{\sum_{t=1}^T \eta_t \mathbf{w}t}{\sum{t=1}^T \eta_t}.$$

Từ đó, theo tính chất lồi, ta có

$$\sum_t \eta_t E[R[\mathbf{w}_t]] \geq \sum \eta_t \cdot \left[E[\bar{\mathbf{w}}]\right].$$

Thay vào bất đẳng thức ở trên, ta tìm được cận

$$ \left[E[\bar{\mathbf{w}}]\right] - R^* \leq \frac{r^2 + L^2 \sum_{t=1}^T \eta_t^2}{2 \sum_{t=1}^T \eta_t}. $$

Trong đó $r^2 := |\mathbf{w}_0 - \mathbf{w}^*|^2$ là khoảng cách giới hạn giữa giá trị khởi tạo của các tham số và kết quả cuối cùng. Nói tóm lại, tốc độ hội tụ phụ thuộc vào tốc độ thay đổi của hàm mất mát thông qua hằng số Lipschitz $L$ và khoảng cách $r$ giữa giá trị ban đầu so với giá trị tối ưu. Chú ý rằng giới hạn ở trên được kí hiệu bởi $\bar{\mathbf{w}}$ thay vì $\mathbf{w}_T$ do $\bar{\mathbf{w}}$ là quỹ đạo tối ưu được làm mượt. Hãy cùng phân tích một số cách lựa chọn $\eta_t$.

  • Thời điểm xác định. Với mỗi $r, L$$T$ xác định ta có thể chọn $\eta = r/L \sqrt{T}$. Biểu thức này dẫn tới giới hạn trên $r L (1 + 1/T)/2\sqrt{T} < rL/\sqrt{T}$. Điều này nghĩa là hàm sẽ hội tụ đến nghiệm tối ưu với tốc độ $\mathcal{O}(1/\sqrt{T})$.
  • Thời điểm chưa xác định. Khi muốn nghiệm tốt cho bất kì thời điểm $T$ nào, ta có thể chọn $\eta = \mathcal{O}(1/\sqrt{T})$. Cách làm trên tốn thêm một thừa số logarit, dẫn tới giới hạn trên có dạng $\mathcal{O}(\log T / \sqrt{T})$.

Chú ý rằng đối với những hàm mất mát lồi tuyệt đối $l(\mathbf{x}, \mathbf{w}') \geq l(\mathbf{x}, \mathbf{w}) + \langle \mathbf{w}'-\mathbf{w}, \partial_\mathbf{w} l(\mathbf{x}, \mathbf{w}) \rangle + \frac{\lambda}{2} |\mathbf{w}-\mathbf{w}'|^2$ ta có thể thiết kế quy trình tối ưu nhằm tăng tốc độ hội tụ nhanh hơn nữa. Thực tế, sự suy giảm theo cấp số mũ của $\eta$ dẫn đến giới hạn có dạng $\mathcal{O}(\log T / T)$.

Gradient ngẫu nhiên và Mẫu hữu hạn

Tới phần này, ta đi khá nhanh và chưa chặt chẽ khi thảo luận về hạ gradient ngẫu nhiên. Ta ngầm định lấy các đối tượng $x_i$, thường là cùng với nhãn $y_i$ từ phân phối $p(x, y)$ nào đó và sử dụng chúng để cập nhật các trọng số $w$ theo cách nào đó. Cụ thể, với kích thước mẫu hữu hạn, ta đơn giản lập luận rằng phân phối rời rạc $p(x, y) = \frac{1}{n} \sum_{i=1}^n \delta_{x_i}(x) \delta_{y_i}(y)$ cho phép áp dụng SGD.

Tuy nhiên, đó thật ra không phải là cách ta đã làm. Trong các ví dụ đơn giản ở phần này ta chỉ thêm nhiễu vào gradient không ngẫu nhiên, tức giả sử đang có sẵn các cặp giá trị $(x_i, y_i)$. hóa ra cách làm đó khá hợp lý (xem phần bài tập để thảo luận chi tiết). Vấn đề là ở tất cả các thảo luận trước, ta không hề làm thế. Thay vào đó ta duyệt qua tất cả các đối tượng đúng một lần. Để hiểu tại sao quá trình này được ưa chuộng, hãy xét trường hợp ngược lại khi ta lấy có hoàn lại $N$ mẫu từ một phân phối rời rạc. Xác suất phần tử $i$ được chọn ngẫu nhiên là $N^{-1}$. Do đó xác suất chọn $i$ ít nhất một lần là

$$P(\mathrm{chọn} i) = 1 - P(\mathrm{loại} i) = 1 - (1-N^{-1})^N \approx 1-e^{-1} \approx 0.63.$$

Tương tự, ta có thể chỉ ra rằng xác suất chọn một mẫu đúng một lần là ${N \choose 1} N^{-1} (1-N^{-1})^{N-1} = \frac{N-1}{N} (1-N^{-1})^{N} \approx e^{-1} \approx 0.37$. Điều này gây tăng phương sai và giảm hiệu quả sử dụng dữ liệu so với lấy mẫu không hoàn lại. Do đó trong thực tế, ta thực hiện lấy mẫu không hoàn lại (và đây cũng là lựa chọn mặc định trong quyển sách này). Điều cuối cùng cần chú ý là mỗi lần duyệt lại tập dữ liệu, ta sẽ duyệt theo một thứ tự ngẫu nhiên khác.

Tóm tắt

  • Đối với các bài toán lồi, ta có thể chứng minh rằng Hạ Gradient Ngẫu nhiên sẽ hội tụ về nghiệm tối ưu với nhiều tốc độ học khác nhau.
  • Trường hợp trên thường không xảy ra trong học sâu. Tuy nhiên việc phân tích các bài toán lồi cho ta kiến thức hữu ích để tiếp cận bài toán tối ưu, đó là giảm dần tốc độ học, dù không quá nhanh.
  • Nhiều vấn đề xuất hiện khi tốc độ học quá lớn hoặc quá nhỏ. Trong thực tế, ta chỉ có thể tìm được tốc độ học thích hợp sau nhiều lần thử nghiệm.
  • Khi kích thước tập huấn luyện tăng, chi phí tính toán cho mỗi lần lặp của hạ gradient cũng tăng theo, do đó SGD được ưa chuộng hơn trong trường hợp này.
  • Trong SGD, không có sự đảm bảo tối ưu đối với các trường hợp không lồi do số cực tiểu cần phải kiểm tra có thể tăng theo cấp số nhân.

Bài tập

  1. Hãy thử nghiệm với nhiều bộ định thời tốc độ học khác nhau trong SGD và với số vòng lặp khác nhau. Cụ thể, hãy vẽ biểu đồ khoảng cách tới nghiệm tối ưu $(0, 0)$ theo số vòng lặp.
  2. Chứng minh rằng với hàm $f(x_1, x_2) = x_1^2 + 2 x_2^2$, việc thêm nhiễu Gauss (normal noise) vào gradient tương đương với việc cực tiểu hóa hàm mất mát $l(\mathbf{x}, \mathbf{w}) = (x_1 - w_1)^2 + 2 (x_2 - w_2)^2$ trong đó $x$ tuân theo phân phối chuẩn.
    • Suy ra kỳ vọng và phương sai của $\mathbf{x}$.
    • Chỉ ra rằng tính chất này có thể áp dụng tổng quát cho hàm mục tiêu $f(\mathbf{x}) = \frac{1}{2} (\mathbf{x} - \mathbf{\mu})^\top Q (\mathbf{x} - \mathbf{\mu})$ với $Q \succeq 0$.
  3. So sánh sự hội tụ của SGD khi lấy mẫu không hoàn lại từ ${(x_1, y_1), \ldots, (x_m, y_m)}$ và khi lấy mẫu có hoàn lại.
  4. Bạn sẽ thay đổi SGD thế nào nếu như một số gradient (hoặc một số toạ độ liên kết với nó) liên tục lớn hơn tất cả các gradient khác?
  5. Giả sử $f(x) = x^2 (1 + \sin x)$. $f$ có bao nhiêu cực tiểu? Thay đổi hàm $f$ sao cho để cực tiểu hóa giá trị hàm này, ta cần xét tất cả các điểm cực tiểu?

Thảo luận

Những người thực hiện

  • Đoàn Võ Duy Thanh
  • Nguyễn Duy Du
  • Phạm Minh Đức
  • Nguyễn Văn Quang
  • Đỗ Trường Giang
  • Lê Khắc Hồng Phúc
  • Phạm Hồng Vinh
  • Nguyễn Văn Cường